Giá cà phê tăng mạnh, cơ hội nào cho thị trường xuất khẩu Việt Nam?

Giá cà phê tăng mạnh, cơ hội nào cho thị trường xuất khẩu Việt Nam?

Thị trường cung cấp nguồn cà phê lớn nhất thế giới Brazil đang có nhiều biến động. Thời tiết cực đoan xảy ra liên tục tại đất nước này đang đẩy giá thành cà phê lên rất cao trong những tháng gần đây. Theo đó, trong phiên mới nhất, mức giá cà phê arabica tăng đến 20%. Đây là con số cao nhất trong khoảng 6 năm trở lại đây. Thậm chí nhiều chuyên gia còn nhận định thị trường cà phê này sẽ còn tiếp tục sốt lên trong những tuần kế tiếp. Với sự tăng vọt về giá cả, đây có được xem là tín hiệu tốt cho thị trường cà phê nước ta. Liệu có cơ hội nào cho việc xuất khẩu ngành công nghiệp này tại Việt Nam?

Giá cà phê thế giới tăng 20% chỉ trong một tuần

Chỉ riêng phiên 20/7, giá cà phê arabica tăng hơn 6%. Nguyên nhân là do gia tăng lo ngại về thiệt hại từ những đợt băng giá liên tiếp Brazil.

Kết thúc phiên này, cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 tăng 10,4 cent. Giá trị tương đương 6,6%, lên 1,668 USD/lb, gần sát mức cao nhất trong vòng 4,5 năm. Trong phiên có thời điểm giá tăng 7,7%. Trong vòng chỉ 2 tháng qua, giá arabica đã tăng 37%. Còn so với đầu năm 2021, giá tăng khoảng 30%.

Diễn biến giá cà phê arabica trong năm

Phiên 22/7, cà phê arabica vọt lên mức cao nhất trong vòng 6,5 năm do các công ty thương mại nâng gấp đôi dự đoán về mức độ thiệt hại trong vụ mùa tới của Brazil sau đợt băng giá nghiêm trọng vào tuần này.

Theo đó, giá cà phê arabica hợp đồng tham chiếu trên sàn New York (kỳ hạn tháng 9) tăng 17,65 US cents, hay 10%, lên 1,9365 USD/lb. Đây là mức cao chưa từng có kể từ tháng 11/2014. Mức tăng 10% trong vòng một phiên là mức tăng nhiều nhất kể từ đầu năm 2014. Tính chung cả tuần, giá đã tăng khoảng 20%.

Cà phê robusta giao tháng 9 kết thúc phiên 20/7 cũng tăng 29 USD. Con số này tương đương 1,7%, lên 1.761 USD/tấn. Cùng với đó có thời điểm trong cùng phiên đạt mức cao nhất 3 năm, là 1.793 USD/tấn. Robusta cũng tăng giá khoảng 30% trong ba tháng qua.

Giá cà phê thị trường trong nước tăng mạnh trở lại

Trên thị trường trong nước, giá cà phê hôm 21/7 cũng đảo chiều tăng mạnh trở lại. Theo đó, giá thu mua tại các vùng trồng trọng điểm tăng trung bình 400 – 500 đồng/kg so với sáng hôm qua.

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) cà phê hôm nay được thu mua với giá 35.300 đồng/kg. Tại huyện Cư M’gar (Đắk Lắk), giá thu mua là 36.200 đồng/kg. Trong khi tại huyện Ea H’leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk), giá thu mua là 36.100 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 36.100 đồng/kg tại Gia Nghĩa. Con số này là 36.000 đồng/kg ở Đắk R’lấp. Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 36.100 đồng/kg (Chư Prông). Còn ở Pleiku và La Grai cùng giá 36.000 đồng/kg. Trong khi đó giá cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 36.100 đồng/kg.

Nguyên nhân việc tăng giá thị trường cà phê

Thời tiết cực đoan tại Brazil

Sương giá quay trở lại những vùng trồng cà phê chủ chốt của Brazil lần thứ 2 trong vòng chưa đầy một tháng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây cà phê ở những bang sản xuất chủ chốt của nước này. Trong đó có Minas Gerais và Sao Paulo.

Cây cà phê rất nhạy cảm với sương giá. Vì sương làm chết lá và có thể gây hậu quả kéo dài đến cả vụ mùa sau.

“Thị trường hiện đang cố gắng đánh giá mức độ thiệt hại của sương giá. Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy sương giá bao trùm diện rộng ở vành đai trồng cà phê chủ chốt (của Brazil)”. Nhà phân tích Carlos Mera của Rabobank cho biết về vấn đề đang diễn ra tại Brazil.

“Một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều so với tôi nghĩ”. Nhà phân tích hàng hóa mềm, Paul Daly, ở Mỹ, cho biết thêm.

Sương giá quay trở lại những vùng trồng cà phê chủ chốt của Brazil ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng

Nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới – Brazil – đang phải đối mặt với những đợt sương giá lạnh buốt nhất trong vòng hơn 25 năm trở lại đây. Nó làm cho triển vọng sản lượng cà phê trở nên xấu đi. Đồng thời nó đe dọa đẩy loại đồ uống phổ biến trên thế giới tăng vọt trong thời gian tới.

Nhiệt độ ở các vùng trồng cà phê của Brazil đã giảm xuống dưới 00C (32 độ F) trong nhiều giờ vào đêm thứ Ba (20/7). Trong đó miền nam Minas Gerais là nơi lạnh nhất kể từ năm 1994. Tình trạng băng giá dự báo sẽ tiếp diễn ở vùng cực nam của nước này trong ngày và đêm 21/7. Và một đợt giá lạnh khác dự kiến ​​sẽ diễn ra vào ngày 29/7.

Thị trường cà phê Brazil liên tiếp gặp hạn

Điều đáng nói là trước đợt băng giá này, Brazil đã trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng. Việc trên khiến cho các diện tích đất đồng bị khô cằn. Các hồ chứa nước tưới tiêu cũng bị cạn kiệt. Hạn hán vẫn chưa kết thúc, dự báo có thể sẽ càng trở nên tồi tệ hơn nữa. Nguyên nhân là do khả năng xuất hiện trở lại hiện tượng thời tiết La Nina. Điều này làm giảm mạnh lượng mưa trong khu vực.

Francisco Cesar Di Giacomo, một nông dân ở Sao Goncalo do Sapucai thuộc Minas Gerais, cho biết sương giá đã ảnh hưởng đến khoảng 60% diện tích trồng trọt của ông. Di Giacomo cho biết: “Ở một số khu vực của trang trại, cây cà phê đã chết khô”.

Sương giá có thể làm cháy lá và cành trên cây. Nó làm giảm triển vọng sản lượng năm 2022. Hơn hết, sương giá làm tiêu tan hy vọng về một vụ mùa bội thu cao nhất trong nhiều thập kỷ để bổ sung cho kho dự trữ. Điều này đặc biệt quan trọng vì cây cà phê có chu kỳ hai năm cho năng suất cao một lần. Trong đó vụ mùa tới lẽ ra là chu kỳ sản lượng cao.

Ảnh hưởng nghiêm trọng do yếu tố thời tiết đến thị trường cà phê

Theo Regis Ricco, giám đốc của RR Consultoria Rural, nhiều cánh đồng đã được cắt tỉa vào năm ngoái để đón chờ vụ sản xuất năm 2022. Nhưng những gì đang xảy ra cho thấy sản lượng rất có khả năng sẽ giảm, kể cả trong năm tới. Hai đợt sương giá vừa qua có nguy cơ làm giảm từ 1 triệu đến 2 triệu bao sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2022-23. Đây là số liệu theo kết quả một cuộc khảo sát do Cazarini Trading, trụ sở tại Minas Gerais, tiến hành.

Một đợt hạn hán đầu năm nay đã làm giảm sản lượng arabicas – loại cà phê được được Starbucks Corp ưa chuộng. Ở các khu vực phía bắc của Sao Paulo và Triangulo Mineiro ở Minas, độ ẩm của đất hiện chỉ khoảng 20%. Nó ở dưới mức 60% cần thiết cho sự phát triển của cây trồng.

Hạn hán làm cho hạt cà phê bị bé đi. Thậm chí nhiều cây bị rỗng ruột. Do đó, mỗi bao cà phê mùa này đổ đầy cần 600 lít (158,5 gallon) mới đủ 60 kg. Trong khi thông thường chỉ cần 450 – 500 lít.

Daniel Daianas Ribeiro, một nông dân 42 tuổi có trang trại cà phê gia đình rộng khoảng 2.000 ha ở Sao Paulo và Parana, ước tính vụ mùa của mình (bắt đầu thu hoạch từ tháng 5 năm nay) sụt giảm từ 25% đến 30%.

Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo Khí hậu Mỹ, khả năng La Nina quay trở lại vào tháng 8-10 năm nay là 45%. Thời điểm vào tháng 9-11 là 55% và tháng 10-12 là 62%.

Giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục lên đỉnh?

Với hàng loạt những yếu tố không may mắn kể trên, nhiều khả năng người tiêu dùng cà phê sẽ phải trả giá cao hơn cho loại đồ uống phổ biến này. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết tồn kho cà phê ở Brazil kết thúc niên vụ này sẽ ở mức thấp nhất kể từ khi USDA bắt đầu công bố dữ liệu này, năm 1960. Trong khi dự trữ cà phê xanh của Mỹ cũng giảm 18% so với một năm trước đó.

Dự đoán diễn tiến giá cà phê

Hernando de la Roche, phó chủ tịch của StoneX Financial Inc., cũng có chia sẻ về điều này. “Cùng với tất cả những biến động, việc La Nina quay trở lại có thể sẽ tạo ra động lực mới cho giá cà phê”. Những bất ổn về thời tiết chỉ là một trong những nguyên nhân. Ngoài ra còn do việc vận chuyển từ Colombia bị chậm trễ do bất ổn chính trị. Cùng với đó là cước vận chuyển tăng cao. Nó buộc các nhà kinh doanh cà phê trên khắp thế giới phải nâng giá chào bán.

Ông Rocho cho biết, phần lớn cà phê Brazil đã được thu hoạch. Song người mua vẫn gặp khó khăn trên thị trường giao ngay. Xác nhận thông tin này, nhà tư vấn có hơn 30 năm kinh nghiệm, Judy Ganes cũng đồng tình. Sau chuyến đi thực tế ở các vùng trồng cà phê về, ông cho biết có vẻ nhiều người đã ‘thổi phồng’ về vụ mùa năm ngoái. Thực sự không có quá nhiều cà phê tồn trữ.

Giá cà phê thế giới tăng mạnh có là cơ hội cho ngành xuất khẩu cà phê Việt Nam?

Theo đánh giá của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường Cà phê về cơ bản sẽ được hưởng lợi nhờ vào sự sụt giảm nguồn cung trên toàn cầu. Tuy nhiên, cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước không còn rõ ràng như trước đây. Rất nhiều nhà nhập khẩu và các công ty kinh doanh Cà phê rang, xay đã có kinh nghiệm ứng phó với việc sụt giảm nguồn cung. Họ đã gia tăng dự trữ trước đó. Xét về nhu cầu, biến chủng Delta đang khiến đại dịch Covid-19 trở nên phức tạp hơn tại các nước đang phát triển. Đây cũng là đối tượng sử dụng nhiều Cà phê nhất trên thế giới.

Điều này sẽ ảnh hưởng tới lượng xuất khẩu Cà phê của Việt Nam trong phần còn lại của năm 2021. Ngành Cà phê trong nước chưa chắc đã được hưởng lợi nhiều dù giá thế giới có thể sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong thời gian tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *